Chính sách thuế thu nhập cá nhân lạc hậu, đại diện Bộ Tài chính nêu rõ thời điểm sửa đổi
Chiều 29/3, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Tài chính, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) thông tin về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế.
SỬA ĐỔI NĂM 2025 HOẶC KHI CPI BIẾN ĐỘNG MẠNH TRÊN 20%
Ông Trương Bá Tuấn cho biết Bộ Tài chính có báo cáo lên Chính phủ liên quan đến vấn đề đề nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết 20/NQ-CP 2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2024.
Nghị quyết nêu rõ Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân.
Theo ghi nhận, kể từ khi các Luật Thuế thu nhập cá nhân Quốc hội thông qua năm 2009, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, tham mưu Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh qua các thời kỳ cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo đó, từ ngày 1/1/2009, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Từ ngày 1/7/2013, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Làm rõ về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, đại diện Bộ Tài chính cho biết thứ nhất, về thẩm quyền, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, một điểm mới khác biệt so với trước đây, đó là thay vì đợi Quốc hội thông qua việc sửa đổi luật thuế thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp khi chỉ số CPI biến động trên 20% so với lần điều chỉnh gần nhất.
Căn cứ vào điều đó, năm 2020, trên cơ sở theo dõi chỉ số giá giai đoạn từ 2012 – 2020, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.
“Theo dõi diễn biến của chỉ số CPI từ năm 2020 đến nay, so với thời điểm điều chỉnh gần nhất, biến động của chỉ số CPI chưa đến mức 20%.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến, căn cứ vào những quy định được nêu tại Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành để có phương án tăng khi chỉ số CPI biến động”.
Thứ hai, liên quan đến việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, ông Trương Bá Tuấn, cho biết Bộ Tài chính được giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao sửa đổi toàn diện các luật thuế, báo cáo Quốc hội sửa đổi theo lộ trình phù hợp.
Theo đó, trong năm 2024 sẽ tập trung sửa đổi ba luật thuế, đó là Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Còn Luật Thuế thu nhập cá nhân, theo lộ trình sẽ được sửa đổi vào năm 2025 như Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Khi sửa đổi luật thuế, ông Tuấn cho biết sẽ dự kiến nghiên cứu sửa đổi tổng thể các nội dung liên quan tới chính sách thuế thu nhập cá nhân như: thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế và cấu trúc biểu thuế cùng các vấn đề liên quan đến giảm trừ gia cảnh…
XEM XÉT ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH, GỠ KHÓ CHO NGƯỜI DÂN
Thời gian qua, mức giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc đã không còn phù hợp trong bối cảnh lạm phát gia tăng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn khiến người dân, đại biểu Quốc hội lên tiếng và đề xuất sớm sửa đổi.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về vấn đề thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương), cho biết cử tri cho rằng mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng cho cá nhân người nộp thuế và 4 triệu đồng/tháng cho một người phụ thuộc khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ ngày 1/7/2020 đến nay không còn phù hợp.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, chỉ số lạm phát tăng hằng năm và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, do đó, đại biểu đề nghị có phương án xét tăng mức giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc khi xác định thuế thu nhập cá nhân thời gian tới.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị quan tâm hơn nữa đối với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh trong vấn đề tính thuế thu nhập cá nhân, từ đó mới có thể tăng tiêu dùng và hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian tới.
Liên quan đến các chính sách hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay, ông Trương Bá Tuấn, cho biết thêm năm 2024, cơ quan quản lý khẩn trương tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% đã được Quốc hội thông qua.
Ngoài ra, Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã áp dụng của năm 2023 và triển khai ngay đầu năm 2024.
Theo Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), các chính sách này đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của các doanh nghiệp và người dân.
Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế – xã hội; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chính sách về thu ngân sách và có các giải pháp về chính sách thuế phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.