USD mạnh lên, đồng yên đuối sức, Nhật Bản liệu có can thiệp?

Tâm điểm chú ý của giới đầu tư đang hướng tới đồng yên, khi đồng tiền của Nhật Bản trượt về mức thấp nhất kể từ năm 1990, đặt ra khả năng Tokyo có động thái can thiệp…

Đồng USD duy trì xu hướng tăng giá sau khi dữ liệu công bố ngày thứ Hai (1/4) cho thấy lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã tăng trưởng trở lại lần đầu tiên kể từ tháng 9/2022. Đương đầu với áp lực từ sức mạnh của bạc xanh, đồng yên Nhật tiếp tục bấp bênh dưới ngưỡng tâm lý 152 yên đổi 1 USD – một mốc tỷ giá có thể dẫn tới động thái can thiệp từ nhà chức trách.

Số liệu từ Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho thấy sản lượng của sản xuất công nghiệp ở Mỹ đã tăng trở lại và số lượng đơn hàng mới cũng tăng, dù nhu cầu nhân lực tại các nhà máy còn yếu và giá cả đầu vào cao hơn. Đây là lần đầu tiên lĩnh vực sản xuất của Mỹ – chiếm 10,4% nền kinh tế nước này – đạt được sự tăng trưởng sau khi giảm liên tiếp 16 tháng. Đó là chuỗi tháng giảm dài nhất kể từ đợt giảm kéo dài từ tháng 8/2000-1/2002, hãng tin Reuters cho hay.

GIẢM SÚT KỲ VỌNG FED GIẢM LÃI SUẤT

Được tiếp sức từ số liệu khả quan về ngành sản xuất Mỹ, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng hơn 0,5% trong phiên đầu tuần, đạt mức hơn 105 điểm.

“Dữ liệu từ ISM có tính chỉ báo cao, và số liệu lần này cho thấy lạm phát sẽ không giảm liên tục. Tôi cho rằng thị trường đang phản ứng với điều đó”, chuyên gia Eugene Epstein của công ty Moneycorp nhận định với Reuters.

Báo cáo về ngành sản xuất là một nguyên nhân khiến thị trường cắt giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 6.

Trong ngày giao dịch đầu tiên của tháng 4, thị trường lãi suất tương lai đặt cược xác suất 58% rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 6 – theo công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME. Tuần trước, khả năng này có thời điểm đạt hơn 70%.

Một nguyên nhân khác khiến kỳ vọng trên giảm xuống là dữ liệu lạm phát. Hôm thứ Sáu – khi thị trường tài chính Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Good Friday – Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE). Báo cáo cho thấy PCE lõi – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng – tăng 2,8% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, một mức tăng phù hợp với dự báo nhưng vẫn còn cao hơn đáng kể so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed.

Ngoài ra, Chủ tịch Fed Jerome Powell trong một bài phát biểu hôm thứ Sáu khẳng định quan điểm Fed sẽ không vội vã trong việc giảm lãi suất.

“Tôi không cho rằng số liệu PCE hôm thứ Sáu sẽ làm thay đổi mạnh mẽ toan tính của Fed. Tuy nhiên, các số liệu này khiến thị trường dịch chuyển lại gần hơn với Fed trong kỳ vọng về số lần giảm lãi suất và thời điểm mà Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay”, nhà giao dịch Helen Given thuộc công ty Monex USA nhận định.

Tâm điểm chú ý của giới đầu tư đang hướng tới đồng yên, khi đồng tiền của Nhật Bản trượt về mức thấp nhất kể từ năm 1990, đặt ra khả năng Tokyo có động thái can thiệp.

Hôm thứ Tư tuần trước, đồng yên đã chạm mức 151,975 yên đổi 1 USD, thấp nhất 34 năm. Đầu giờ sáng ngày 2/4 tại thị trường châu Á, đồng yên giao dịch ở mức 151,655 yên đổi 1 USD – theo dữ liệu từ Reuters.

Lần gần đây nhất Bộ Tài chính Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) can thiệp để chặn đà giảm của đồng nội tệ là vào tháng 9-10/2022, khi đồng yên trượt giá về gần ngưỡng 152 yên đổi 1 USD.

Kế hoạch của nhà chức trách Nhật đối với đồng yên vẫn là một điều khó đoán định. Do năm tài khoá ở nước này đã kết thúc, nên cơ quan chức năng sẽ không phải lo lắng về chuyện biến động tỷ giá ảnh hưởng tới bảng cân đối kế toán.

ĐỒNG YÊN VẪN Ở VỊ THẾ BẤT LỢI

Tuy nhiên, thông tin về cuộc họp khẩn cấp của 3 cơ quan tiền tệ gồm Bộ Tài chính Nhật, BOJ và Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA), cùng phát biểu của giới chức Nhật, đến nay vẫn ghìm tỷ giá yên ở mức thấp nhất 34 năm. Ngày 1/4 và 2/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật bản Shunichi Suzuki đều tuyên bố ông không loại trừ bất kỳ biện pháp nào để chống lại biến động quá mức của tỷ giá và sẽ đưa ra phản ứng phù hợp.

“Chúng tôi đang theo dõi cẩn trọng diễn biến hàng ngày trên thị trường. Chúng tôi theo dõi diễn biến tỷ giá với một tinh thần cấp bách cao độ”, ông Suzuki nói tại một cuộc họp báo sau cuộc họp nội các thường kỳ sáng 2/4.

Đồng yên duy trì xu hướng giảm giá dù BOJ đã chấm dứt chính sách lãi suất âm. Một nguyên nhân khiến đồng tiền này khó hồi phục là lãi suất ngắn hạn của BOJ vẫn gần 0, dẫn tới khoảng cách chênh lệch lớn giữa lãi suất của Nhật với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ hay châu Âu. Năm nay, đồng yên đã mất giá 7% so với USD, trở thành đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong nhóm tiền tệ G10.

Ông Suzuki nói rằng chính sách tiền tệ chỉ là một trong số nhiều yếu tố ảnh hưởng đến diễn biến tỷ giá, bên cạnh các yếu tố như cán cân tài khoản vãng lai của mỗi quốc gia, diễn biến giá cả, rủi ro địa chính trị, tâm lý thị trường và động thái đầu cơ. “Điều quan trọng là tỷ giá tiền tệ phải ổn định và phản ánh các yếu tố cơ bản của nền kinh tế. Biến động quá mức là điều không mong muốn”, vị Bộ trưởng nói.

Ông Suzuki từ chối bình luận khi được hỏi liệu Nhật Bản sẽ can thiệp mạnh mẽ bằng một động thái duy nhất để khiến các nhà đầu cơ tiền tệ phải từ bỏ vị thế bán khống đồng yên, hay tiến hành can thiệp từng bước để giảm bớt mức độ biến động của tỷ giá.

“Nhà chức trách có vẻ lo ngại về mốc 152 yên đổi 1 USD. Biểu đồ kỹ thuật cho thấy trong dài hạn, đây là một ngưỡng kháng cự mạnh. Tôi không cho là họ sẽ phản ứng nếu đồng yên trượt dần qua mốc 152 yên đổi 1 USD. Nhưng một cú giảm mạnh qua mốc này về phía 154-155 yên/USD có thể sẽ dẫn tới can thiệp”, chiến lược gia trưởng về ngoại hối toàn cầu của ngân hàng đầu tư Jefferies, ông brad Bechtel, nhận định với hãng tin Bloomberg.

Tuần này có nhiều số liệu kinh tế Mỹ có thể ảnh hưởng đến diễn biến tỷ giá đồng USD, bao gồm số công việc cần tuyển dụng trong tháng 3, dự kiến công bố vào ngày thứ Ba, và báo cáo việc làm tổng thể tháng 3, dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu

 

 

    Liên hệ Online




    * Thông tin quý khách hàng được bảo mật của quy định hiện hữu